Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Miền Tây sông nước chịu khát

Bến Tre là địa phương đầu tiên trong 13 tỉnh, thành miền Tây ban bố tình huống khẩn cấp, mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 2 do hạn hán, nước biển xâm nhập từ đầu năm nay. Trong đó, ảnh hưởng nhất là huyện Ba Tri, nơi có 12.000 ha đất trồng lúa ba vụ cùng đàn bò 100.000 con, lớn nhất tỉnh. Đợt hạn mặn lịch sử năm 2016, Ba Tri có trên 8.000 ha lúa bị thiệt hại, chiếm khoảng 80% diện tích vụ đông xuân. Người dân phải mua rơm và nước ngọt với giá cao cho bò ăn, uống.

Một cánh đồng lúa tại xã An Phú Trung khô hạn, đất nứt nẻ, chỉ còn các loại cỏ chịu mặn mọc lác đác.

Trên cánh đồng "bão hạn mặn" tấn công , bà Nguyễn Thị Kim Trang (48 tuổi) gom những gốc lúa, cỏ dại nhiễm mặn cho bò ăn. "Năm nay người dân ở đây chết đói, làm lúa thì lúa nhiễm mặn chết hết, muốn đi làm công nhân trên thành phố cũng không ai dám đi vì sợ dịch bệnh. Để có tiền sinh hoạt hàng ngày, chồng tôi đi phụ hồ, còn tôi ở nhà lo cơm nước và nuôi hai con bò", bà cho biết.

"Vụ này, tôi thuê hai công đất để trồng lúa, mỗi công (1.000 m2) đầu tư khoảng 3 triệu tiền thuốc, phân bón. Bị nhiễm mặn hết nên coi như mất trắng. Giờ chỉ còn cách thương lượng với chủ đất, mong họ giảm cho một ít tiền thuê", ông Nguyễn Văn Chấu (44 tuổi, ấp An Thuận) nói, vừa cầm cụm lúa khô.

Đứng trên thửa ruộng khô của gia đình, bà Lê Thị Hí (72 tuổi) nói chưa khi nào thấy hạn mặn khốc liệt như năm nay, khi "nước sinh hoạt còn khan hiếm thì lấy đâu nước tưới cây, trồng lúa". "Mấy hôm nay, tôi nghe đài báo bên Trung Quốc xả đập thuỷ điện , cho nước về miền Tây mà chờ hoài không thấy", bà lão nói.

Cách xã An Phú Trung 8 km, bà Lâm Thị Ngọc Dung (70 tuổi, ở xã An Ngãi Tây) đứng ngồi không yên vì thiếu nước sinh hoạt. Nhà bà đã mua gần 20 lu nước, dùng tiết kiệm nhưng đến giờ đã hết. Mấy ngày nay, bà phải mua nước bên ngoài, một xe hai mét khối giá 100.000-120.000 đồng. "Chưa năm nào ông trời dở chứng như năm nay", bà Dung nói.

Tại Tiền Giang , thủ phủ của cây ăn trái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều kênh, hồ chứa nước ngọt đã khô kiệt, khiến hàng chục nghìn ha cây trồng thiếu nước trầm trọng.

"Sống ở đây hơn 30 năm chưa bao giờ tôi thấy con kênh này cạn nước. Vậy mà, mới qua Tết được vài ngày nước đã cạn khô. Cây trồng chết dần vì không có nước tưới", bà Nguyễn Thị Mộng Thuỷ, 58 tuổi, người dân sống ven kênh Cầu Sắt, huyện Chợ Gạo nói.

Lòng hồ tại trạm bơm Bình Phan (huyện Chợ Gạo), nơi cung cấp nước cho khoảng 8.500 ha đất trồng trọt ở địa phương đang cạn trơ đáy.

Một nông dân ở xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) đo độ mặn trong nước vượt mức 5‰ Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog (5.000 mg/l), không thể tưới cho các vườn sầu riêng , măng cụt. Theo nông dân này, chỉ cần tưới nước có độ mặn cao hơn 0,2‰ (200 mg/l) sẽ khiến cây trồng bị cháy lá, rụng hoa, làm giảm sinh trưởng và phát triển, ảnh hưởng đến năng suất.

Những ngày này, tại các tuyến đường nông thôn ở xã Tam Bình luôn trong tình trạng kẹt xe do các xe ba gác tập trung về kênh Mười Nén hút nước ngọt bán cho các nhà vườn trồng sầu riêng. Theo người dân, mỗi xe chở hai mét khối nước có giá 160.000-200.000 đồng, tùy quãng đường xa gần.

Dọc kênh N7 (huyện Gò Công Tây), những chiếc máy bơm cũng nằm "chịu trận" vì không có nước để tưới cho các vườn cây ăn trái.

Bà Lê Thị Lợi (57 tuổi, huyện Gò Công Tây) cùng con gái mua phuy nước khoảng 200 lít với giá 160.000 đồng để tưới cho lúa.

"Thấy lúa như thế này nóng ruột quá, hôm trước nhà tôi mua 10 bao đá bi xạ xuống ruộng cho lúa hút được ít nước nhưng không thấm, nay lấy nước cho vào bình phun, phun cho nó mát, cầm cự được ngày nào hay ngày đó. Cầu trời đổ một cơn mưa cho lúa có chất", bà Lợi nói.

Gia đình bà Trương Thị Hòa (ấp Thạnh Phú, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây) cùng hợp sức cứu ruộng lúa nhiễm mặn từ ao trữ nước.

"Gia đình tôi có 6 công đất, lúa mới chín nửa bông nhưng đất đang bị khô cằn nên ngày nào cũng phải bơm tưới, cho lúa nó mát. Vụ này đầu tư phân thuốc mỗi công hết 3 triệu đồng, lúa mà chết là bể nợ", bà Hòa cho biết.

Giữa tháng 3, nước biển xâm nhập vào các con sông lớn ở miền Tây 50-110 km, vượt mốc lịch sử 2016 từ 2 đến 8 km. 5 tỉnh (chấm vàng) gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang đã công bố tình huống khẩn cấp , tập trung ứng phó.

Nguyên nhân là toàn lưu vực sông Mekong trong năm 2019 lượng mưa thấp kỷ lục, cộng với tình trạng các đập thủy điện thượng nguồn trữ nước chạy các tuabin, khiến nước không về hạ nguồn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay ghi nhận khoảng 20.000 ha lúa miền Tây bị mất trắng do hạn mặn, chiếm khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.

Hữu Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét